Hải Dương sẽ là trung tâm động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng

Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông

Hải Dương không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh mà hướng tới tăng trưởng bền vững.

Đó là nhấn mạnh của Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Dương Trần Đức Thắng tại hội nghị thẩm định hồ sơ quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tập trung vào 4 trụ cột chính

Theo Báo cáo Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Hội đồng Thẩm định quy hoạch thông qua nêu rõ, tỉnh Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông.

Trong đó, đến năm 2025 là tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, có hạ tầng kinh tế – xã hội khá đồng bộ, tiếp tục chuyển dịch kinh tế sang công nghiệp – dịch vụ, chủ trương ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Tăng GRDP thực tế quân đầu người ở mức cao hơn cả nước.

Tới năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, có quy mô nền kinh tế trong nhóm tỉnh dẫn đầu cả nước, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội đồng bộ, hiện đại. Là trung tâm công nghiệp động lực của vùng Đồng bằng sông Hồng.

Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông

Hải Dương định hướng trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, văn minh, phát triển bền vững và giàu bản sắc văn hóa xứ Đông

Do đó, để hiện thực hóa tầm nhìn trên, tỉnh Hải Dương sẽ tập trung vào 4 trụ cột chính.

Cụ thể, thứ nhất, tập trung mở rộng và nâng cao chuỗi giá trị, tận dụng liên kết vùng cho các ngành công nghiệp chủ lực, nâng cao và mở rộng chuỗi giá trị các ngành thế mạnh và mũi nhọn của tỉnh như ngành điện, điện tử, cơ khí luyện kim… dựa trên liên kết vùng và thu hút doanh nghiệp FDI lớn.

Thứ hai là xây dựng năng lực cạnh tranh chiến lược, tiến tới phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng trong tương lai. Tỉnh sẽ mở rộng các ngành công nghiệp với giá trị gia tăng cao như hóa chất, hóa dược, công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ. Tập trung nghiên cứu và phát triển các sản phẩm cao cấp, độc quyền, có tỷ lệ nội địa hóa cao, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đặc biệt tới các thị trường khắt khe như EU, Mỹ, Nhật Bản.

Thứ ba, duy trì và tái cơ cấu các ngành công nghiệp giá trị sản xuất nhỏ, chỉ duy trì, dừng đầu tư và phát triển thêm các ngành công nghiệp giá trị thấp và ảnh hưởng môi trường như sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, da giày, công nghiệp khai khoáng.

Thứ tư là quyết tâm xây dựng địa phương thành trục công nghiệp động lực cho vùng Đồng bằng sông Hồng với khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, hiện đại và lõi trung tâm đổi mới sáng tạo. Với quỹ đất cho khu công nghiệp ít, tỉnh tập trung phát triển khu công nghiệp chuyên biệt công nghệ cao, khu công nghiệp đô thị dịch vụ và khu công nghiệp sinh thái với trung tâm đổi mới sáng tạo, cùng các cụm công nghiệp với hạ tầng hiện đại.

Cần cú hích để phát triển

 

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định quy hoạch tỉnh Hải Dương cho biết, mặc dù Hải Dương nằm ở vị trí thuận lợi trên các hành lang kinh tế phát triển, có giao thông đồng bộ đi qua. Tuy nhiên, Hải Dương vẫn chưa phát triển khi thu nhập bình quân đầu người vẫn thấp. Tốc độ phát triển kinh tế đứng thứ 8/11 tỉnh của vùng Đồng bằng sông Hồng. Chưa phát huy hết cai trò, vị thế của tỉnh trong mối quan hệ, liên kết với vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và các hành lang kinh tế trong các hoạt động kinh tế như thu hút đầu tư, liên kết sản xuất đa ngành, hình thành chuỗi giá trị.

Quy mô doanh nghiệp ở mức vừa và nhỏ, thâm dụng lao động và hạn chế trong đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại. Tuy thu hút được nhiều vốn FDI, nhưng chủ yếu là các dự án có quy mô vốn chỉ ở mức khá và trung bình nên chưa tạo được đột phá. Các sản phẩm vẫn chủ yếu là hàng giá trị thấp và chưa có tính phân hóa cao do sản xuất tập trung ở khâu gia công, lắp ráp, sơ chế, dịch vụ giản đơn. Tỷ lệ nội địa hóa thấp. Về cơ bản, hiệu quả kinh tế thu được thấp hơn so với các tỉnh nằm trong top đầu cả nước.

Ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, làm tốt Quy hoạch tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực. Ảnh: Minh Trang

Ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương nhấn mạnh, làm tốt Quy hoạch tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực (Ảnh: Minh Trang)

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng yêu cầu, Quy hoạch tỉnh Hải Dương phải chỉ rõ được điểm nghẽn ở đâu, cản trở lớn nhất là gì, cần tranh thủ sắp xếp lại không gian phát triển để làm sao khơi thông, giải phóng các nguồn lực để có thể tăng tốc được nhanh, có thể tạo động lực mới để bứt phá trong phát triển.

Là địa phương không có lợi thế giáp biển, không có cảng, không có sân bay. Các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán dẫn đang tích cực khảo sát, tìm hướng đầu tư tại Việt Nam thông qua việc đầu tư vào các khu kinh tế… Đây là cơ hội quý để Hải Dương sắp xếp lại không gian phát triển, có chính sách tốt để thu hút các nhà đầu tư lớn trong lĩnh vực này – Bộ trưởng Bộ kế hoạch và Đầu tư chia sẻ.

Về phía tỉnh Hải Dương, Bí thư Tỉnh ủy Trần Đức Thắng cho biết, Hải Dương không đặt nặng mục tiêu tăng trưởng nhanh, mà hướng tới tăng trưởng bền vững. Tỉnh đã điều chỉnh giảm số lượng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và chuyển hướng sang phát triển các khu công nghiệp xanh, sinh thái để mọi người dân đều được hưởng lợi.

Bên cạnh đó, ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương còn cho biết, Quy hoạch tỉnh là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là một trong số các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia và là sản phẩm chung của cả nước, làm tốt Quy hoạch tỉnh sẽ góp phần vào sự phát triển chung của Vùng và khu vực.

Với cách tiếp cận mới, biện chứng, khoa học và sử dụng nhiều phương pháp khác nhau trong công tác lập quy hoạch đã đánh giá đầy đủ, khách quan hiện trạng phát triển của Hải Dương. Đồng thời, làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Từ đó xây dựng tầm nhìn, định hướng, mục tiêu, đưa ra các phương án phát triển và các giải pháp để tổ chức thực hiện.

Các ý kiến góp ý từ chuyên gia, Hội đồng Thẩm định sẽ là cơ sở để tỉnh Hải Dương tiếp thu, hoàn chỉnh nhằm đưa ra bản quy hoạch đúng nhất, tốt nhất trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt – ông Hùng nhấn mạnh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *