Bình Định phát hiện 14.257 trường hợp lấn chiếm đất đai

Ảnh minh họa.

Tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã phát hiện 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai. Trong đó xử lý được 6.945 trường hợp (chưa tới 50%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Tình trạng lấn, chiếm đất đai trên địa bàn tỉnh Bình Định đang diễn biến phức tạp, trong khi công tác quản lý tồn tại nhiều bất cập, việc xử lý chưa triệt để khiến số vụ việc ngày một tăng.

Tỉnh Bình Định cho biết, tính đến ngày 31/3/2023, trên địa bàn phát hiện ra 14.257 trường hợp lấn, chiếm đất đai. Trong đó xử lý được 6.945 trường hợp (chưa tới 50%), còn 7.313 trường hợp chưa xử lý. Địa phương để xảy ra tình trạng lấn chiếm đất đai nhiều nhất là TP.Quy Nhơn với 5.074 trường hợp, đã xử lý 2.712 trường hợp và vẫn còn 2.362 trường hợp.

Trong 3 năm từ 2020-2022, toàn tỉnh thống kê có 423 trường hợp xây dựng công trình không phép, sai phép. Cũng thời gian này, các địa phương phát hiện 1.893 công trình xây dựng lấn chiếm đất đai, xây dựng trên đất không được phép xây dựng nhưng mới cưỡng chế, tháo dỡ 1.069 trường hợp.

Sở dĩ xảy ra tình trạng trên, UBND tỉnh cho rằng, do cán bộ, công chức, người tham gia công tác quản lý trật tự xây dựng, quản lý đất đai ở địa phương đa phần kiêm nhiệm, nên hiệu quả giải quyết trường hợp vi phạm cụ thể chưa cao. Mặt khác, nhận thức, ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân trong thực hiện quy định của pháp luật, về trật tự xây dựng chưa nghiêm; tốc độ đô thị hóa tại một số địa phương nhanh, không gian đô thị mở rộng, hoạt động đầu tư xây dựng ngày càng nhiều, song biên chế, lực lượng thực thi công vụ trên lĩnh vực quản lý vẫn hạn chế.…

Bởi vậy thời gian tới, tỉnh dự kiến tổng rà soát lại tất cả trường hợp, và giải quyết căn cơ trường hợp nào quy định pháp luật theo Luật Đất đai trước năm 1993, 2014 thì thực hiện đúng quy định; trường hợp nào vi phạm sau năm 2014 rà soát lại để xử lý tình huống cụ thể. Trường hợp nào vướng, địa phương báo cáo tỉnh xem xét, giải quyết. Ngoài ra, sẽ phân công trách nhiệm rõ ràng, địa phương phải thực thi; sở, ngành kiểm tra, giám sát và hướng dẫn.

Để triển khai hiệu quả, tỉnh sẽ thành lập Ban chỉ đạo, trong đó chú trọng vào công tác chống lấn chiếm đất đai với quan điểm “phòng ngừa là chính”, xử lý cái cũ và không để xảy ra cái mới.

UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng tập trung đối với công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự đô thị. Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung công tác quản lý đất đai, chống lấn chiếm đất đai. Lưu ý phải có chính sách về nhà ở cho người dân, hàng năm, xã, huyện chủ động quy hoạch khu dân cư mới, hoặc định hướng cho phép chuyển đổi đất ở. Bên cạnh đó, đề nghị hai Sở thường xuyên kiểm tra, giám sát, chỉ đạo xử lý dứt điểm những vụ việc vụ vi phạm.

Các sở tiếp tục đào tạo, hướng dẫn cán bộ địa phương, trường hợp cần đào tạo lại thì huyện, thị xã, thành phố báo cáo tỉnh đào tạo thêm. Mặt khác, các sở ngành hướng dẫn địa phương xây dựng quy trình xử lý, tổ chức bộ máy cho địa phương thành một hệ thống bộ máy chặt chẽ từ dưới lên.

Đối với huyện, thị xã, thành phố, UBND tỉnh đề nghị cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Phải xác định quỹ đất địa phương cho nhu cầu phát sinh của người dân. Về chính quyền xã, phải làm việc này hàng ngày, phát hiện và giải quyết ngay, xác định phòng ngừa là chính.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *